Trận đánh cầu Ruột không chỉ thể hiện sự mưu trí, sáng tạo của quân dân Hưng Yên mà còn là sự vận dụng kết hợp hài hòa giữa những chiến thuật như: địch vận, dân vận, nội công ngoại kích. Trận đánh này đã mở màn cho hàng loạt trận tập kích đồn bốt địch sau đó như: Nho Lâm, Đông Tảo… gây tổn thất lớn cho thực dân Pháp, phối hợp cùng chiến trường chính góp phần vào thắng lợi của quân dân ta trong những ngày đầu kháng chiến chống thực dân Pháp.
Trong lịch sử xây dựng và trưởng thành của lực lượng vũ trang tỉnh Hưng Yên, có nhiều trận đánh đã được đánh giá cao và ghi vào lịch sử dân tộc như trận đồn Bần (1944) đã được đại tướng Võ Nguyên Giáp đánh giá là “trận đánh kiểu mẫu của Đồng bằng Bắc Bộ” hay các chiến công của đội Nữ du kích Hoàng Ngân, du kích Đường 5 anh dũng… Một trong những trận đánh điển hình của lực lượng vũ trang Hưng Yên thời kỳ đầu kháng chiến chống thực dân Pháp là trận cầu Ruột (nay thuộc huyện Cẩm Giàng, Hải Dương). Đây là trận đầu tiên ta đánh bốt địch bằng phương pháp “nội ứng chiến”. Kế hoạch, phương án và phương pháp tác chiến trận cầu Ruột đã được Tỉnh ủy họp rút kinh nghiệm tại Hội nghị Bí thư Chi bộ toàn tỉnh (họp trong hai ngày 2, 3/11/1949) và kết luận “Trận nội ứng chiến đầu tiên của Hưng Yên đã mở màn cho nhiều trận khác trong chiến dịch Thu- Đông này, nó đã làm cho nhân dân ta phấn khởi mà cũng là một mối hoang mang lo sợ cho địch”1.
Sau khi thực dân Pháp bội ước, tiếp tục xâm lược nước ta, từ Hà Nội, Hải Phòng, chúng nhanh chóng đánh chiếm và lập hệ thống đồn bốt hòng làm bàn đạp tấn công Việt Bắc. Đến cuối tháng 9/1947, địch đã cơ bản chiếm đóng được tuyến đường 5, đường sắt Hà Nội- Hải Phòng và vùng phụ cận, hình thành vùng tạm chiếm gồm toàn bộ huyện Văn Lâm, Mỹ Hào, Văn Giang, Yên Mỹ. Đến tháng 3/1949, địch tiếp tục mở rộng vùng chiếm đóng đến các bốt Lực Điền, Cảnh Lâm, khống chế một vùng rộng lớn của Khoái Châu, Ân Thi. Thực hiện Chỉ thị ngày 18/8/1949 của Thường vụ Trung ương Đảng về “Xây dựng bộ đội địa phương và phát triển dân quân”, các đơn vị du kích tập trung tỉnh, huyện được đổi tên thành bộ đội địa phương. Lực lượng du kích tập trung tỉnh (tức bộ đội tỉnh) chỉ có 559 người, biên chế thành 4 đại đội: Hoàng Văn Thụ, Thanh Bình, Lâm Kim Cương, Vũ Hổ. Tuy lực lượng còn mỏng như vậy, nhưng quân dân Hưng Yên đã lập được nhiều chiến công khiến kẻ thù khiếp sợ. Trong số đó, trận cầu Ruột đã được Quân khu Tả Ngạn biểu dương và phát động học tập, được báo cáo trước Hội nghị Bí thư chi bộ toàn tỉnh.
Bốt Cầu Ruột cạnh đường 38, được xem như là một tiền đồn của bốt Cẩm Giàng, canh gác đường xe lửa Hà Nội- Hải Phòng và khống chế một khu vực rộng thuộc các huyện Văn Lâm (Hưng Yên) Cẩm Giàng (Hải Dương) và Thuận Thành (Bắc Ninh). Trong bốt, có 12 tên địch, gồm 1 tên đội người Pháp, một tên đội dõng, 1 cai dõng và 9 lính dõng. Ngoài ra, còn có một tên lý trưởng tề gian ác thường xuyên trú ngụ và một số người bị bắt làm phu tạp dịch trong đồn. Quân giặc trong đồn rất hiếu chiến, ban ngày chúng chia nhau đi sục sạo các làng xung quanh, ban đêm chúng phục kích các ngả đường hòng bắt cán bộ cách mạng. Hỏa lực trong đồn tương đối mạnh, gồm một khẩu Bren, một khẩu Thomson, 11 súng trường và cơ số đạn, lựu đạn dư dật.
Sở dĩ gọi trận cầu Ruột là trận “nội ứng chiến” vì trong số 9 lính dõng của đồn, có cơ sở nội ứng của ta. Hai người ấy là anh Tập và anh Hưng, quê ở thôn Trang Vũ (Đồng Than, Yên Mỹ), do bị địch bắt mà phải làm lính dõng. Khi đóng quân ở bốt Xuân Đào (Mỹ Hào), vốn có cảm tình với Việt Minh, hai anh đã liên lạc với Ban địch vận Mỹ Hào. Nhưng khi hai anh chuyển về Văn Lâm thì mất liên lạc với ta. Đến tháng 8/1949, khi hai anh về quê chơi, tổ địch vận Hoàng Văn Thụ của Tỉnh đội Hưng Yên mới lại liên lạc lại, anh Hưng và anh Tập đã hứa nếu có dịp sẽ mang súng của đồn về nộp cho cách mạng.
Đầu tháng 10/1949, nhận thấy có nhiều dấu hiệu phải chuyển đi nơi khác, sợ lại mất liên lạc như lần chuyển địa điểm đóng quân trước, anh Hưng và anh Tập đã vội vàng về lại thôn Trang Vũ, tìm cách báo gấp với tổ địch vận Hoàng Văn Thụ. Qua bàn bạc, trao đổi, hai anh xin tổ chức cho đánh bốt cầu Ruột. Nhận thấy đây là một cơ hội hiếm hoi, Ban Chỉ huy Tỉnh đội đã báo cáo Tỉnh ủy xin quyết định. Ngày 12/11/1949, một cuộc họp gồm đại diện Tỉnh ủy, Ủy ban Hành chính kháng chiến tỉnh, lãnh đạo Ban Chỉ huy Tỉnh đội, Ban chỉ huy đại đội Hoàng Văn Thụ bàn kế hoạch tác chiến. Cuộc họp nhất trí giao cho đại đội Hoàng Văn Thụ đảm nhiệm việc công đồn, dân quân Văn Lâm làm nhiệm vụ đưa đường, du kích Mỹ Hào yểm hộ và thu dọn chiến trường.
Để thuận tiện liên lạc với cơ sở trong bốt cầu Ruột, ngày 17/10, ta đã cử một đồng chí Tiểu đội trưởng của đại đội Hoàng Văn Thụ cùng em Tuấn- một em bé liên lạc vào ém tại thôn Hộ Vệ (nay thuộc huyện Thuận Thành, Bắc Ninh) ngay sát bốt. Ngày 18 và 19/10, Tuấn đã cùng một số đồng chí du kích xã Nghĩa Hưng, với danh nghĩa đi phu, đã lọt được vào bốt. Tại đây, Tuấn tìm cách gặp trực tiếp để phổ biến kế hoạch tác chiến và giao nhiệm vụ cho hai người lính dõng là cơ sở của ta. Ngày 22/10, Tuấn tiếp tục cải trang vào đồn, thông báo thời gian, ám hiệu liên lạc và cách thức thực hiện kế hoạch tập kích đồn cho hai anh Tập và Hưng.
Đúng theo kế hoạch, đúng 9 giờ 30 phút tối 22/10, quân ta tập kết các lực lượng chuẩn bị công đồn. Cùng lúc, một mũi gồm 13 chiến sĩ đại đội Hoàng Văn Thụ cùng với 17 du kích xã Nghĩa Hưng tiến sát ra vị trí giáp ranh để chặn quân cứu viện từ bốt Cẩm Giàng, một mũi khác chặn ngả từ Thuận Thành sang. Đến 11 giờ 45 phút, khi một người lính dõng lia ánh đèn pin ra ngoài thì nhận được tiếng mèo kêu, anh liền lén ra mở cửa đồn. Một lực lượng quân ta tràn vào, nhanh chóng nổ súng tiêu diệt những tên lính đang gác. Đúng lúc ấy, quân ta ở ngoài cũng xung phong tiến vào, dùng lựu đạn và thủ pháp tiêu diệt các điểm trọng yếu. Bốt cầu Ruột nhanh chóng bị hạ gục. Kết quả, ta đã tiêu diệt được tên đội Tây, tên lý trưởng gian ác và đa số lính dõng trong đồn, thu toàn bộ súng gồm 1 súng Ba ren, 1 khẩu Thomson, 11 súng trường, 1 hòm lựu đạn, 6.500 viên đạn và nhiều đồ quân dụng của địch, tiêu hủy toàn bộ cơ sở vật chất tại đồn, bên ta thiệt hại không đáng kể.
Trận đánh cầu Ruột không chỉ thể hiện sự mưu trí, sáng tạo của quân dân Hưng Yên mà còn là sự vận dụng kết hợp hài hòa giữa những chiến thuật như: địch vận, dân vận, nội công ngoại kích. Trận đánh này đã mở màn cho hàng loạt trận tập kích đồn bốt địch sau đó như: Nho Lâm, Đông Tảo… gây tổn thất lớn cho thực dân Pháp, phối hợp cùng chiến trường chính góp phần vào thắng lợi của quân dân ta trong những ngày đầu kháng chiến chống thực dân Pháp.
P.H
----
1 Biên bản Hội nghị Bí thư Chi bộ toàn tỉnh, Tài liệu kho lưu trữ Trung ương Đảng do Ban Nghiên cứu lịch sử Đảng tỉnh Hải Hưng sao ngày 6/5/1971.
Tài liệu tham khảo chính:
- Nghị quyết án Hội nghị Bí thư Chi bộ toàn tỉnh, Tài liệu kho lưu trữ Trung ương Đảng do Ban Nghiên cứu lịch sử Đảng tỉnh Hải Hưng sao ngày 6/5/1971.
- Lịch sử Đảng bộ tỉnh Hưng Yên, tập 1 (1929- 1954), Nxb Chính trị quốc gia, H.1998.