Chiến thắng Biên giới (10-1950), đặc biệt là Đại hội lần thứ II của Đảng Cộng sản Việt Nam (2-1951) đã mở ra một bước ngoặt trong cuộc kháng chiến. Thời kỳ này, Hưng Yên vẫn là “vùng địch chiếm gần hoàn toàn.
7.1 Mở khu du kích, phá vỡ hệ thống tháp canh, hương đồn của địch
Chiến thắng Biên giới (10-1950), đặc biệt là Đại hội lần thứ II của Đảng Cộng sản Việt Nam (2-1951) đã mở ra một bước ngoặt trong cuộc kháng chiến. Thời kỳ này, Hưng Yên vẫn là “vùng địch chiếm gần hoàn toàn. Ở Hưng Yên địch mạnh hơn ta nhiều, phong trào ta sút kém. Cơ sở non yếu, các tổ chức nguỵ quyền của địch lập ra tạm thời được đứng vững. Chính quyền của ta ở địa phương tạm thời rút lui.
Sau hội nghị Tỉnh uỷ (tháng 12-1950), lực lượng vũ trang của tỉnh được củng cố, kiện toàn. Tỉnh uỷ giao cho Ban chỉ huy Tỉnh đội và Tỉnh Hội phụ nữ xây dựng phong trào nữ du kích Hoàng Ngân.
Ngày 23-3-1951, Bộ Tổng tư lệnh mở Chiến dịch Hoàng Hoa Thám (đường 18), buộc địch phải dồn quân lên đối phó. Lợi dụng thời cơ đó, Tỉnh uỷ đã thực hiện chủ trương của Hội nghị tỉnh uỷ tháng 12 năm 1950 về mở du kích bằng việc quyết định lấy khu đông huyện Phù Cừ làm đợt phá mở khu du kích, địa bàn gồm hai xã Quang Hưng và Quyết Tiến với 10 thôn. Đêm 31-3-1951, Đại đội 22 do đồng chí Võ An Đông, Chính trị viên Tỉnh đội, quyền tỉnh đội trưởng trực tiếp chỉ huy, mở đầu trận đánh bốt Thọ Lão (Kim Động) – nơi mà chúng đã biến nhà thờ thành nơi đóng quân, tháp chuông thành tháp canh, bắt dân rào làng, cầm vũ khí chống lại cách mạng. 5 giờ sáng ngày 1-4-1950, những tên đầu sỏ bị tiêu diệt, giáo dân được giải phóng. Chiến thắng Thọ Lão đã uy hiếp tinh thần quân địch, chọc thủng bức màn mê hoặc giáo dân chống lại cách mạng. Ngay sau đó ta đã kịp thời khôi phục chính quyền, củng cố dân quân du kích, giúp đỡ nhân dân ổn định cuộc sống.
Lợi dụng thời cơ địch đang hoang mang lo sợ, Tỉnh uỷ chủ trương mở tiếp khu du kích mới. Ta tập trung đánh địch ở các bốt Phương Bồ, Ba Đông… diệt đồn tổng dũng Bình Nguyên, vị trí chính đoàn Đa Lộc.
Chiến dịch đường 18 kết thúc (7-4-1951), địch đưa quân về đối phó càn quét vùng du kích nam đường 5 và bắc sông Luộc. Ngày 19-4-1951, chúng mở trận càn “Sứa Biển” đánh vào khu giáp ranh ba tỉnh Hải Dương – Thái Bình - Hải Kiến. Ngày 5-5-1951, địch mở trận càn Reptile đánh phá khu giáp ranh ba huyện Gia Lộc, Bình Giang, Thanh Miện (Hải Dương). Đưa Hồ Ngọc Châm về làm Tỉnh trưởng nguỵ quyền ở Hưng Yên.
Từ ngày 17 đến 22-7-1951, Tỉnh uỷ đề ra nhiệm vụ về việc củng cố cơ sở, đẩy mạnh du kích chiến và củng cố các khu du kích. Thựu hiện Nghị quyết của Tỉnh uỷ, Ban chỉ huy Tỉnh đội đã chuẩn bị lực lượng và địa bàn ở khu bắc Kim Động và Khoái Châu. Tranh thủ thời cơ địch chưa càn trong tỉnh, Tỉnh uỷ chủ trương đẩy mạnh mở rộng khu du kích mới.
Ngày 25-9-1951, địch mở chiến dịch “Trái Chanh” có quy mô lới đánh vào các huyện Phù Cừ, Tiên Lữ, Ân Thi. Đêm 24 rạng ngày 25-9-1951, địch bắt đầu tiến công đánh ta ở các phía. Cuộc chiến đấu giằng co quyết liệt từ sáng đến đêm 25-9-1951, Đại đội 22 sau khi cùng với nhân dân địa phương giải quyết hậu quả đã bí mật rút khỏi trận địa. Phát hiện quân ta vượt sông Luộc sang Thái Bình, ngày 7-10-1951, địch chuyển sang Thái Bình mở trận càn “Trái Quýt” buộc bộ đội ta phải rút về nội địa. Ngay sau khi từ Thái Bình về, Đại đội 22 phối hợp với bộ đội Khoái Châu và dân quân du kích địa phương tiêu diệt 5 đồn hương dũng Bùi Xá, Hương Quất, ThọNham, Nhuế Dương 3 và 4.
Ngày 18-11-1951, Bộ Chính trị mở chiến dịch Hoà bình và coi đây là chiến trường chính, đồng thời đẩy mạnh hoạt động trên các chiến trường khác. 24-11-1951, Trung ương Đảng ra chỉ thị “Phá cuộc tiến công lên Hoà Bình của địch”. Thực hiện chỉ thị trên, Tỉnh uỷ đã chỉ thị cho các đảng bộ trong tỉnh đẩy mạnh phong trào quần chúng đấu tranh, mở rộng các khu du kích, phát động đợt hoạt động phối hợp Chiến dịch Hoà Bình. Phong trào thi đua đánh địch sôi nổi mạnh mẽ suốt từ tháng 12-1951 đến tháng 2-1952, mở đầu là ngày 7-12-1951 tiểu đoàn 664 phục kích tại An Tảo diệt gọn đại đội biệt kích thuộc Secteur Hưng Yên. Ở Văn Lâm, Mỹ Hào đêm 23-12-1951, Đại đội 20 mới chuyển từ Khoái Châu lên phối hợp với đại đội 112 (Văn Lâm) diệt bốt bảo chính đoàn Thuần Xuyên, Yên Xá và các đồn hương dũng Thục Cầu, Phà Lê, Mễ Đậu. Ở Phù Cừ, Tiên Lữ, đại đội 26 diệt đồn tổng dũng Chế Chì, bao vay chặt Phố Giác, Vân Phương, An Chiểu, Thuỵ lôi… địch lo sợ, tháo chạy.
Phát huy chiến thắng, đêm 3-1-1952, đại đội 27 cùng đội Khoái Châu dùng nội ứng đánh bốt Bảo Chính đoàn Thiết Trụ, bắt sống 52 tên, tiếp sau đó là diệt hương đồn Phú Thị, Liên Nghĩa, vũ trang tuyên truyền vào sâu Văn Giang sát vành đai sân bay Gia Lâm. Kết thúc đợt hoạt động phối hợp với chiến dịch Hoà Bình, ngày 26, 27-2-1952, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ họp mở rộng nhận định tình hình “Thi hành chỉ thị của Trung ương, của Khu uỷ, ta hoạt động mãnh mẽ thu được nhiều kết quả to lớn…” Trong tháng 4-1952, Tỉnh uỷ chỉ đạo mở tiếp khu du kích nam Phù Cừ, nam Tiên Lữ, tiêu diệt vị trí Đình Cao, đồn Canh Hoạch, Mai Xá, Võng Phan…
Sau khi địch rút khỏi Hoà Bình, trong thời gian 3 tháng (tháng 3 đến tháng 5-1952) chúng đã mở 6 trận càn lớn liên tiếp ở đồng bằng Bắc Bộ, trong đó đáng chú ý nhất là trận càn “Lạc đà” đánh nam Hưng Yên, nam Hải Dương từ ngày 24-4 đến 14-5-1952 và tá càn Hưng Yên đến hết tháng 5-1952. Ngày 3-4-1952, chúng lại dùng máy bay yểm trợ mở cuộc càn “Con cá” đánh vào khu vực Tân Dân (Khoái Châu) đồng thời cho máy bay thám thính khu vực phía nam tỉnh.
Do được chuẩn bị từ trước, các địa phương, đơn vị đã chủ động chống càn. Bộ Tư lệnh Tả ngạn được thành lập kịp thời chỉ đạo chặt chẽ. Tỉnh uỷ chỉ đạo cho các đơn vị thấy rõ tính chất quyết liệt của trận càn này, cần phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị. Đên nagỳ 22-4, đại đội 27 của ta đánh sập cầu Lực Điền, kết hợp với bộ đội Khoái Châu chống càn tại Xuân Đình, Nhạn Tháp. Ngày 7-5-1952, đại đội 20 cùng du kích và bộ đội Ân Thi chống càn tại Du Mỹ diệt hơn 70 tên địch. Trong trận càn này, địch ra sức tàn phá, bắn, giết, cướp bóc, hãm hiếp hòng làm cho dân ta hoang mang, kiệt quệ.
Lần đầu tiên chỉ đạo chống càn, ta đã phối hợp nội, ngoại tuyến có kết quả cao.Tuy địch có gây cho ta thiệt hại lớn về người và của, nhưng về cơ bản ta đã đánh bại được ý đồ và mục tiêu của địch trong cơn càn này, 1.416 tên địch bị chết và bị thương. Địch buộc phải thú nhận rằng ‘dùng những thủ đoạn và phương tiện chiến tranh hiện đại để chống chiến tranh du kích là một điều vô ích”. Kết thúc trận “Lạc đà”, Tỉnh uỷ họp Hội nghị mở rộng từ ngày 13 đến 30-6-1952, để kiểm điểm và rút kinh nghiệm các mặt, chỉ rõ ưu khuyết điểm tưng trận đánh quan trọng, biểu dương những địa phương, đơn vị có thành tích xuât sắc; đồng thời phê bình đơn vị có khuyết điểm, thiếu sót.
Kết quả hoạt động đã đánh dấu bước trưởng thành của Đảng bộ trong chỉ đạo và tổ chức tiến hành chiến tranh.
Sau trận “Lạc đà”, địch rút quân cơ động đi các chiến trường khác. Đảng bộ Hưng Yên tiến hành đợt chỉnh huấn, chỉnh Đảng, chuẩn bị cho nhiệm vụ mới.
Tại Đại hội Thi đua yêu và cán bộ gương mẫu toàn quốc tháng 5-1952, Hưng Yên được Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng cờ “Đoàn kết nhân dân đánh thắng giặc Pháp”. Tỉnh đã tổ chức Đại hội thi đua đón nhận phần thưởng của Bác tại Đức Chiêm (Kim Động). Hội nghị chiến tranh du kích Bắc Bộ (tháng 7-1952) đánh giá Hưng Yên là một trong những tỉnh điển hình về chiến tranh du kích phát triển cao. Phần thưởng cao quý của Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng cho Hưng Yên là nguồn cổ vũ mạnh mẽ quân và dân trong tỉnh bước vào hoạt động thu đông.
Để chủ động đối phó với của địch, từ ngày 8 đến 10-10-1952, Tỉnh uỷ họp Hội nghị mở rộng đề ra nhiệm vụ Thu – Đông.
Ngày 14-10-1952, Chiến dịch Tây Bắc mở màn, quân và dân Hưng Yên đã phối hợp hoạt động kịp thời, liên tục đánh địch: đại đội 22 diệt 1 đại đội địch đi giải vây cho bốt Thiết Trụ. Bộ đội tỉnh kết hợp với bộ đội Mỹ Hào và du kích phối hợp tiêu diệt các đồn hương tổng dũng Bùi, Dâu, Vũ Xá, Thịnh Vạn, Hoà Lạc, Phú Hữu, Cẩm Sơn, Cẩm Quan… Bộ phận trung đoàn 12 phục kích đánh địch ở Triều Dương (10-10); tiêu diệt vị trí Cầu Tràng (13-10), bức rút cầu Cáp (27-10)… Phong trào du kích phát triển mạnh mẽ, đều khắp, trong đó phong trào nữ du kích Hoàng Ngân phát triển mạnh, thể hiện tinh thần mưu trí, dũng cảm, táo bạo với lối đánh “thiên biến vạn hoá” hết sức phong phú như nữ du kích xã Đông Kinh (Khoái Châu) do Trương Thị Tám chỉ huy; nữ du kích xã Cộng Hoà (Yên Mỹ), Quang Trung (Ân Thi) bám đường 39 đánh địch và lên tận đương 5 đánh xe.
Tháng 1-1953, Tỉnh uỷ chỉ đạo tổ chức Hội nghị quân sự toàn tỉnh nhằm định hướng hoạt động cụ thể cho các đơn vị tỉnh, huyện. Sau đó, Tỉnh uỷ tổ chức liên tiếp các Hội nghị bàn về vấn đề xây dựng khu du kích; Hội nghị chính trị viên… Nhiều cấp uỷ được đưa sang phụ trách quân sự, nhiều đảng viên vào bộ đội, du kích.
Trước những thất bại liên tiếp, địch đi vào phòng thủ, xây dựng lô cốt, boongke ở địa bàn trọng yếu, đưa quân lính ở các vị trí trong khu vực ta đã giải phóng tập trung về các vị trí kiên cố, biên các đội “vệ sĩ” thành địa phương quân.
Với tinh thần tích cực tiến công tiêu diệt địch, bộ đội ta tìm mọi sơ hở của địch để đánh. Chiến tranh du kích phát triển cao ở nhiều nơi như Minh Hoàng, Quyết Tiến (Phù Cừ), Tiền Phong (Ân Thi), Thủ sỹ, Phan Tây Hồ, Hưng Đạo (Tiên Lữ)… khiến cho quân địch ở Hưng Yên hoang mang, lo lắng, lúng túng, quân số ngày càng thiếu hụt. Ban chỉ huy Tỉnh đội họp cán bộ các đơn vị trao đổi kinh nghiệm chiến đấu đã tìm cách đánh bí mật tập kích (gọi là mật tập) và thành lập “Đội tiền phong” chuyên làm nhiệm vụ trinh sát đông thời xây dựng kế hoạch tác chiến và cho bộ đội luyện tập theo phương án đã chuẩn bị.
Từ ngày 25-5 đến ngày 3-6-1953, Tỉnh uỷ họp Hội nghị mở rộng đề ra nhiệm vụ Hè – Thu (tháng 6 đến tháng 9). Thực hiện Nghị quyết của Tỉnh uỷ, Tỉnh đội có kế hoạch cụ thể cho các đơn vị với phương châm “Phát huy tinh thần đánh địc, khắc phục khó khăn giành chủ động đánh nhỏ ăn chắc”. Kết thúc đợt 1 hoạt động Hè Thu, quân ta đã đánh và tiêu diệt 10 bốt địch, bắn rơi 1 chiếc máy bay, phá huỷ 4 khẩu pháo ly 105, 1 xe tăng, bắt sống 70 tên và thu được nhiều vũ khí, đạn dược.
Ngày 25-9-1953, địch mở chiến dịch “Cá Măng” đánh phá toàn bộ vùng căn cứ du kích nam bắc sông Luộc, gồm nam Hưng Yên, nam Hải Dương, Quỳnh Côi (Thái Bình). Được sự chỉ đạo kịp thời, phán đoán được âm mưu cảu địch, quân và dân ta đã chuẩn bị và chủ động chống càn đều khắp. Trận càn “Cá Măng” kết thúc, địch không những không đạt được kế hoạch mục tiêu đề ra mà còn bị thiệt hại nặng nề: 1.308 tên bị chết, 257 tên bị thương. Kế hoạch Nava bước đầu thất bại ngay sau khi triển khai.
Thực hiện Nghị quyết của Khu uỷ về nhiệm vụ Đông Xuân 1953-1954, ngày 12, 13-10-1953, Tỉnh uỷ họp Hội nghị mở rộng nhận định tình hình và đề ra nhiệm vụ cụ thể là “khuyếch trương chiến thắng đánh càn “Cá Măng”, vạch rõ thất bại của Nava, động viên tinh thần của nhân dân…”
Mở đầu đợt hoạt động, đêm 8-11-1953, đại đội 27 cùng bộ đội Khoái Châu tập kích vị trí Thiết Trụ (lần 2) diệt và bắt sống 52 tên địch, thu 2 súng cối, 2 đại liên và 3 trung liên… chọc thủng vành đai sông Hồng của địch; tập kích vị trí Vĩnh An (Văn Giang) cách đường 5 hai kilômét, diệt 16 tên, bắt sống 72 tên… Tranh thủ thời gian vừa chiến đấu vừa củng cố xây dựng lực lưọng, Tỉnh đội đã mở 3 lớp đào tạo được 215 cán bộ tiểu đội, đảm bảo đủ lực lượng cho 7 đại đội của tỉnh.
Sau nhiều ngày tháng chuẩn bị công phu, đêm 15 rạng ngày 16-12-1954, ta bí mật tập kết địch tiêu diệt cụm vị trí Dị Sử. Sau hơn một giờ chiến đấu quyết liệt, ta diệt tại trận 90 tên, bắt sống 186 tên, thu 12 bazôka, 14 súng cối, 9 đại liên, 7 trung liên, 48 tiểu liên, 8 súng ngắn, gần 500 súng trường, 0 máy VTĐ, phá huỷ 20 xe và 1 kho đạn. Bộ đội ta hi sinh 4 người và bị thương 80 người.\
Trước những hoạt động của ta, địch càng hoang mang, lo sợ. Bộ máy chỉ huy nguỵ quân và nguỵ quyền không đảm nhiệm nổi vai trò “tự quản”. Nava buộc phải giao “Khu chiến Hưng Yên” cho quân viễn chinh Pháp. Mọi cố gắng của địch cũng không xoay chuyển được tình hình, địch ngày càng lúng túng bị động, khu du kích của ta đượ mở rộng nhanh chóng, lực lượng vũ trang ngày càng trưởng thành hơn.
7.2 Đấu tranh thực hiện giảm tô, giảm tức, giữ vững sản xuất
Cuộc kháng chiến ngày càng phát triển, đòi hỏi sự đóng góp ngày càng nhiều về sức người, sức của. Cùng với lãnh đạo nhân dân đấu tranh vũ trang, đấu tranh chính trị với địch, Đảng bộ Hưng Yên đã quan tâm lãnh đạo trên mặt trận kinh té nhằm tạo ra của cải vật chất, đảm bảo đời sống cho nhân dân và đóng góp cho kháng chiến.
Sau Cách mạng Tháng Tám thành công, Chính phủ đã thực hiện giảm tô 25%, ra thông tư chia ruộng đất cho dân cày nghèo, sắc lệnh giảm tức… nhằm hạn chế bóc lột của địa chủ (Sắc lệnh số 74 ngày 14-7-1949). Nhân dân ta được hưởng một số quyền lợi về kinh tế và ruộng đất.
Khi quân địch chiếm đóng, bọn địa chủ, Việt gian phản động đã dựa vào uy thế của địch chống lại chính sách của ta. Chúng thu lại những phần ruộng đất đã chia cho người dân, không chịu giảm tô, giảm tức, ra sức khống chế, bóc lột nhân dân bằng mọi cách vơi thủ đoạn tinh vi và nham hiểm. Lúc này, đời sống nhân dân hết sức khổ cực.
Cùng với việc đấu tranh giảm tô, giảm tức, động viên nhân dân tham gia sản xuất, từ tháng 6 đến tháng 11-1951, Tỉnh uỷ đã chỉ đạo việc thanh toán tài chính trong toàn tỉnh. Do hoàn cảnh chiến tranh ác liệt, việc thực hiện các chính sách của Đảng không được triệt để. Công tác kiểm tra rất khó khăn. Trước tình hình trên, tháng 2-1952, Tỉnh uỷ họp đề ra chủ trương “vận động nhân dân không bỏ ruộng hoang, tích cực trồng các cây lương thực như ngô, khoai, sắn… Tổ chức khơi ngòi, lạch đắp đường khuyến nông… Thực hiện giảm tô, giảm tức… Thực hiện Nghị quyết, cac đảng bộ địa phương đã lãnh đạo nhân dân đấu tranh quyết liệt với địch để sản xuất và bảo vệ sản xuất.
Những cố gắng của Đảng bộ và nhân dân Hưng Yên trong những năm kháng chiến trên mặt trận đấu tranh kinh tế, thực hiện giảm tô, giảm tức, tạm cấp ruộng đất cho dân nghèo… đã bước đầu đem lại kết quả thiết thực cho nhân dân.
Tháng 1-1953, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ tư họp và đề ra hai nhiệm vụ lớn “Đẩy mạnh kháng chiến và thực hiện chính sách ruộng đất”. Tháng 3-1953, Tổng Quân uỷ họp ra Nghị quyết về chỉnh huấn chính trị trong toàn quân chuẩn bị tác chiến ở thời kỳ mới. Ngày 25-3-1953, Tỉnh uỷ họp Hội nghị mở rộng, nhận thấy ở nhiều nơi việc thực hiện giảm tô, giảm tức thực hiện chưa đúng mức, vấn đề thanh toán tài chính trước nhân dân không đạt được kết quả. Trên cơ sở đó, Tỉnh uỷ đã đề ra chủ trương, biện pháp, nguyên tắc tiến hành nhằm đảm bảo kết quả cuộc đấu tranh thực hiện giảm tô, giảm tức và chính sách ruộng đất. Kết quả về mặt kinh tế đã ổn định được đời sống nhân dân, tạo thuận lợi cho các mặt giáo dục, ,y tế, văn hoá, xã hội duy trì hoạt động.
7.3 Thực hiện cuộc vận động chỉnh Đảng, nâng cao sức mạnh lãnh đạo của Đảng bộ
Trước sự phát triển của cuộc kháng chiến, đòi hỏi Đảng bộ phải củng cố, xây dựng vững mạnh ngang tầm với yêu cầu nhiệm vụ. Quá trình xây dựng và phát triển Đảng bộ: Khi Tổng khởi nghĩa gaình chính quyền Tháng Tám năm 1945 mới 35 đảng vien, đến tháng 12 năm 1949 đã lên tới 15.027 đảng viên. Tuy Đảng bộ thường xuyên quan tâm tới công tác củng cố phát triển đảng, nhưng trong hoàn cảnh địch đánh phá hết sức quyết liệt, nhiều cán bộ, đảng viên kiên trì chịu đựng gian khổ, thiếu thốn, ngày đêm nằm bờ, ngủ bụi bám sát quần chúng, xây dựng cơ sở… Ngày 38-3-1950, Huyện uỷ Khoái Châu họp ra Nghị quyết ngăn chặn cán bộ, đảng viên, bộ dội , du kích ở huyện và xã không được ra đầu thú. Nhiều xã bị địch tàn sát, toàn ban chi uỷ xã bị hy sinh (Đồng Tiến), toàn bộ cán bộ chủ chốt bị địch bắt (Hiến Nam), giết toàn ban chi uỷ xã Phan Chu Trinh (Ân Thi). Nguyên nhân của sự hao hụt lớn số lượng đảng viên là do địch khủng bố rất quyết liệt, một phần còn hậu quả của khuyết điểm thiếu sót trong công tác phát triển đảng ồ ạt của những năm trước.
Để nâng cao chất lượng công tác xây dựng Đảng từ ngày 26 đến 27-2-1952, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ họp đề ra: “Phải phân loại đảng viên để đặt kế hoạch giáo dục cho từng đối tượng. Xây dựng tinh thần đấu tranh nội bộ, thực hiện đoàn kết thương yêu nhau làm cho cán bộ, đảng viên có một phong thái đúng mực với nhân dân…”. Tiếp sau đó, từ nagỳ 13 đến ngày 30-6-1952, Tỉnh uỷ họp Hội nghị mở rộng kiểm điểm tình hình và đè ra nhiệm vụ mới. Tỉnh uỷ quyết định tổ chức chỉnh huấn , chỉnh Đảng theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ ba. Đây là cuộc vận động lớn nhất từ trước đến nay.
Thực hiên Nghị quyết Tỉnh uỷ, từ cuối 1952 đến tháng 9-1953, toàn tỉnh đã mở 13 lớp học chính trị cho 817 cán bộ, đảng viên. Ngoài các lớp học tập trung, Tỉnh uỷ chỉ đạo công tác xây dựng Đảng về cả hai mặt tư tưởng và tổ chức: Về chính trị, tư tưởng qua các hội nghị phổ biến công tác, sơ kết, tổng kết, các buổi học chính trị… để bồi dưỡng chính trị, nâng cao nhận thức, ý trí, chiến đấu. Phê phán bệnh chủ quan, nôn nóng, ngại khó ngại khổ… Về tổ chức, qua những năm địch khủng bố ác liệt, bộ máy lãnh dạo cảu tỉnh, huyện luôn biến động, cấp uỷ huyện, xã bị giảm nhiều do tổn thất hy sinh, rơi rụng và một phần do trên điều động.
Thực hiện chỉ thị của Khu uỷ về thái độ đối với các các loại đảng viên đầu hàng, đầu thú, trình diện, phản động… Tỉnh uỷ đã kịp thời uốn nắn, đảm bảo công tác phục hồi, tập hợp, phát triển đảng thận trọng, chặt chẽ hơn.
Kết quả của cuộc vận động chỉnh Đảng đã tạo nên sức mạnh mới về sự lãnh đạo của Đảng bộ. Trình độ, năng lực của cấp uỷ được nâng lên. Qua các kỳ học tập, kiểm điểm đã thấy rõ mặt mạnh, mặt yếu của từng đảng bộ, chi bộ và ưu khuyết điểm của từng cán bộ. Những khuyết điểm chủ yếu do nhất thời, cục bộ. Được sự lãnh đạo của Trung ương, của Khu uỷ, Đảng bộ Hưng Yên đã tích cực khắc phục khuyết điểm, phát huy ưu điểm và thành tích đạt được, nhanh chóng vượt qua mọi khó khăn, lãnh đạo quân và dân trong tỉnh tiến lên đấu tranh giành thắng lợi.
7.4 Đẩy mạnh cuộc đấu tranh toàn dân, toàn diện, phối hợp cùng chiến trường cả nước đưa cuộc kháng chiến đến thắng lợi hoàn toàn.
Sau trận càn “Cá Măng” (tháng 9-1953) quân cơ động địch rút đi đối phó với chiến trường. Đầu tháng 11-1953, Tổng quân uỷ và Bộ tổng tư lệnh phổ biến kế hoạch của Bộ Chính trị về nhiệm vụ tác chiến Đông – Xuân. Ngày 6-12-1953, Bộ Chính trị phê chuẩn Kế hoạch 2 của Tổng quân uỷ và Bộ tư lệnh, quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ.
Phối hợp với chiến trường chính, Hưng Yên được Khu uỷ và Bộ Tư lệnh Khu chỉ đạo, liên tục bổ sung nhiệm vụ mới. Để đối phó với hoạt động của ta, che giấu thất bại của chúng, trấn an tinh thần bọn lính chiếm đóng ở các vị trí đang bị địch vây hãm, ngày 9-1-1954, địch tập trung 2GM mở cuộc càn Angiêri đánh vào bắc sông Luộc, Phù Cừ, Tiên Lữ (Hưng Yên) và nam Thanh Miện, tây Ninh Giang (Hải Dương). Nắm quy luật hoạt động của địch có triệu chứng sắp sửa càn quét, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ họp và nhận định tình hình, thành lập Ban Chỉ đạo chống càn; phân công các tỉnh uỷ viên và cán bộ ban ngành về các huyện để trực tiếp chỉ đạo. Dân quân du kích các xã càn tới đều tích cực chống càn thắng lợi như thủ Sỹ, Phan Tây Hồ, Nghĩa Dũng (Tiên Lữ), Phan Tống Xá, Quyết Tiến (Phù Cừ). Hai cuộc càn trong thang 1-1954 ở hai đầu tỉnh, địch cũng không cải thiện được tình hình. Trong khi đó, ta vẫn hoạt động theo kế hoạch, ngày 31-1-1954, đại đọi 176 phối hợp với bộ đội trung đoàn 42 tập kích Tiểu đoàn 20BVN ở thị xã, diệt 1 đại đội, bắt sống 7 tên. Phía đường 5, đường sắt, ngày 21-1-1954, bộ đội Văn Lâm diệt bốt “vệ sỹ” Đình Tổ. Trong tháng 1 ta đánh đổ 14 đoàn tàu hoả, 42 xe quân sự.
Ngày 23-2-1954, Bộ Chính trị chỉ thị: Cần mở đợt hoạt động ở tả ngạn trong một thời gian dài với quy mô nhỏ, dùng bộ đội liên tiếp hoạt động đánh nhỏ ăn chắc, chủ yếu là đánh du kích không nên ham đánh công kiên và đánh vận động. Thực hiện Chỉ thị của Bộ Chính trị, Khu uỷ và Bộ Tư lệnh Khu giao nhiệm vụ cho Trung đoàn 42 mở đợt tổng công kích đường 5, đường sắ vào đêm 11-3-1954 để phối hợp với chiến trường chính.
Ngày 13-3-1954, quân ta tấn công him Lam, mở màn Chiến dịch Điện Biên Phủ. Trên chiến dịch địa bàn Hưng Yên, địch vừa bị đòn phủ đầu choáng váng. Từ ngày 12 đến ngày 16-3-1954, địch tập trung càn quét liên miên khu lòng chảo Văn Lâm, Mỹ Hào; tăng thêm quân cho các vị trí Xuân Đào, Cầu Bà Sinh, Như Quỳnh… Nắm thời cơ địch hoang mang, dao động, ta đẩy mạnh công tác địch vận, vận động gia đình nguỵ binh đòi chồng con, gọi loa, truyền đơn kêu gọi nguỵ binh đấu tranh với chỉ huy, không đi càn, đòi giải ngũ, có thời cơ thì chạy sang ta.
Ngày 5-5-1954, Tỉnh uỷ ra Chỉ thị 15 “phải giam giữ lực lượng địch.. Phá hoại mạnh, đánh địa lôi chặt chân địch, nhất là đường sắt”. Các mặt hoạt động của ta được đẩy mạnh mẽ hơn.
Ngày 7-5-1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng. Vui mừng trước thắng lợi lịch sử Điện Biên Phủ, quân dân Hưng Yên liên tục tiến công cả quân sự, chính trị, địch vận. Trên đường sắt, Đại đội Văn Lâm, trong 3 ngày 29, 30, 31-5-1954 đánh đổ liền 3 đoàn tàu quân sự ở Hành Lạc, Lạc Đạo, Cống Dung. Đại đội 25 tập kích tiểu đoàn bổ trợ tại Hành Lạc (Văn Lâm) diệt 1 đại đội địch.
Cùng với hoạt động quân sự, Tỉnh uỷ phát động “chiến dịch địch vận”, huy động hầu hết gia đình nguỵ binh tham gia từ hình thức lẻ tẻ thăm chồng con tới làm đơn xin giải ngũ, hỏi tin tức Hội nghị Giơnevơ… Phát huy khí thế chiến thắng, lập thành tích mừng thọ Chủ tịch Hồ Chí Minh, quân và dân Hưng Yên tiếp tục đẩy mạnh tiến công địch toàn diện trên đường 5, đường sắt, lật đổ 4 đoàn tàu hoả tại Khuyến Thiện, Đại Từ, Động Mai, Lạc Đạo, thiêu huỷ 270.000 lít xăng. Đầu tháng 7-1954, tiểu đoàn 664 tập kích địch ở Dốc Suối (Kim Động), Hồng Vân Nội (Khoái Châu). Tiểu đoàn 54 diệt quận lỵ Văn Giang (lần 2) giải tán nguỵ quyền.
Sau Chiến thắng Điện Biên Phủ, kế hoạch Nava bị phá sản, Chính phủ Pháp chỉ thị cho Bộ Tổng chỉ huy quân Pháp ở Đông Dương ba nhiệm vụ lớn và ba biện pháp quân sự cho thời kỳ tới là “Lấy việc giữ gìn quân đội viễn chinh là mục tiêu chủ yếu ưu tiên hơn mọi lý do khác. Thanh trừ hết mọi Việt Minh ở vùng trung và nam Đông Dương để rút lui về phòng ngự ở vĩ tuyến 18 nếu như tình hình trong tương lai bắt buộc phải làm như vậy. Thực hành rút lui ở vùng đồng bằng Bắc Bộ, trong giai đoạn đầu rút về “vùng đồng bằng có ích”.
Trên địa bàn Hưng Yên lúc này, quân địch đặc tràn về thị xã và đóng dã ngoại ở nhiều làng ven đường 5, đường 39. Chiến trường bị thu hẹp, địch tập trung phi cơ ném bom, bắn phá với số lượng lớn vào nhiều lạng mạc ở Mỹ Hào, Yên Mỹ, Khoái Châu… nhằm ngăn chặn ta tiến công và trấn an tinh thần quân lính đang hoang mang. Trước tình hình đó, Tỉnh uỷ đã chỉ thị cho các huyện huy động nhân dân lên đắp đê, đồng thời phát động căm thù địch, kiên quyết đấu tranh đòi chúng phải chấm dứt hành động phá đê. Kết quả trong vòng 27 ngày (từ ngày 5-6 đến 2-7-1954) đã huy động 28.533 ngày công, đào đắp 9.513 m3 đất, hoàn thành đắp đê Nghi Xuyên và sửa chữa nhiều quãng đê ở Văn Giang, Tiên Lữ bị sụt lở.
Trên mặt trận đấu tranh ngoại giao, Hội nghị Giơnevơ đã có những thoả thuận và ngày 20-7-1954, Pháp đã phải ký kết Hiệp định ngừng bắn ở Việt Nam và trên toàn Đông Dương, tôn trọng chủ quyền thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, Lào, Cămpuchia và rút quân; vĩ tuyến 17 là giới tuyến quân sự tạm thời; tiến tới tổng tuyển cử tự do trong cả nước để thống nhất nước nhà. Thị xã Hưng Yên thuộc khu tạm trú 15 ngày của địch.
Bước vào năm 1954, trên mặt trận quân sự, ta ngày càng giành được những thắng lợi to lớn. Đich lại điên cuồng chống phá ta về mọi mặt, nhân dân ta phải đối phó với thiên tai, địch hoạ hết sức nặng nề. Hậu quả của địch, thiên tai thảm hoạ đã dẫn đến nạn đói ngay từ tháng 5-1954. Tỉnh uỷ đã họp và quyết định trích một số thóc cứu tế cho dân, tập trung bảo vệ đê chống lụt.
Ngày thắng lợi đã đến, nhân dân Hưng Yên vẫn ra sức chống thiên tai, địch hoạ. Kẻ thù rút khỏi thị xã Hưng Yên và các tỉnh phía nam. Hậu quả chiến tranh để lại còn rất nặng nề. Hạn hán và nạn lụt thường xuyên xẩy ra, gây mất mùa cho nhân dân. Đảng bộ Hưng Yên đã lãnh đạo quân và dân trong tỉnh khắc phục mọi khó khăn, gian khổ, thiếu thốn, tiến lên giành thắng lợi cả trong đấu tranh chống địch hoạ và chống thiên tai.
7.5 Đấu tranh thi hành hiệp định Giơnevơ, tiến hành tiếp quản thị xã, thị trấn
Khi có lênh ngừng bắn, lực lượng vũ trang toàn tỉnh đã thi hành nghiêm chỉnh chỉ thị của trên, ngừng bắn đúng giờ quy định và chuyển quân về vị trí tập kết. Về phía địch, bọn chúng đều ngừng hoạt động để chuẩn bị rút quân.
Thi hành chỉ thị của Khu uỷ, Tỉnh uỷ đã chỉ đạo quân và dân toàn tỉnh đẩy mạnh công tác địch vận thành cao trào. Ở thị xã, Thị uỷ đã chỉ đạo các xã, phường tổ chức các bộ phận chuyên lo từng công việc; bộ phận phụ trách tuyên truyền chiến thắng và giải thích các chính sách; 1 bộ phận tiếp nhận vũ khí của địch… Kết quả đã làm tan rã lớn hàng ngũ của địch trước khi rút khỏi thị xã.
Tuy nhiên, địch liên tiếp vi phạm hiệp định Giơnevơ, hàng ngày cho quân lính vào trong các thôn, xóm khu vực tạm trú, gây hàng trăm vụ nổ súng, ném lựu đạn, doạ nạt, cướp bóc… bắn chết và làm bị thương 17 người, bắt đi 66 người. Chúng tuyên truyền xuyên tạc đường lối của ta, dung doạ giáo dân ở lại với Việt Minh thì sẽ bị trả thù, doạ “Mỹ sẽ ném bom B52”… Đặc biệt chúng còn khống chế, mê hoặc giáo dân, tiến hành chiến dịch cưỡng ép dân di cư vào miền Nam. Ở Hưng Yên, tên tỉnh trưởng nguỵ quân đội lốt giáo dân Nguyễn Văn Phùng đã cấu kết với bọn cha cố phản động ra sức tuyên truyền xuyên tạc, tung tin lừa bịp “Chúa đã vào Nam”, “Ai không theo chúa vào Nam thì không có phần hôn”…
Để đối phó với hành động phá hoại của địch, Tỉnh uỷ đã chỉ thị cho các huỵên, thị, các đơn vị vũ trang phát động quần chúng đấu tranh buộc địch phải thi hành Hiệp định đình chiến, vạch trần âm mưu đen tối của chúng. Tuyên truyền sâu rộng để quần chúng hiểu rõ về đường lối hoà bình và chính sách của Đảng đối với vùng mới giải phóng; đồng thời thực hiện binh vận, công chức nguỵ quyền giữ gìn tài sản, máy móc không cho địch phá hoại hay mang đi.
Trong hai thang 7 và 8-1954, ta buộc địch phải rút hết quân ra khỏi Hưng Yên. Ngày 5-8-1954, ta tiếp quản thị xã Hưng Yên và các vị trí, bước đầu ổn định trật tự và sinh hoạt trong thị xã.
Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp trên địa bàn Hưng Yên trải qua gần 8 năm, Đảng bộ Hưng Yên đã lãnh đạo quân và dân trong tỉnh giành thắng lợi vẻ vang. Song nhiệm vụ cách mạng còn khá nặng nề, miền Nam còn chưa được giải phóng, Tổ quốc còn tạm thời bị chia cắt, nhiệm vụ miền Bắc phải xây dựng vững mạnh làm hậu phương vững chắc cho cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Dưới sự lãnh đạo và chỉ đạo của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng bộ và nhân dân Hưng Yên doàn kết, tin tưởng, phấn khởi và tự hào, không ngừng phát huy mọi truyền thống tốt đẹp của quê hương Hưng Yên, ra sức thi đua thực hiện mọi nhiệm vụ cách mạng thời kỳ mới.
7.6 Kinh nghiệm của nhân dân Hưng Yên trong cuộc kháng chiến chống thực dân Phá
1- Quán triệt sâu sắc đường lối kháng chiến của Đảng, xây dựng và dựa chắc vào khối đoàn kết toàn dân - chủ yếu là lực lượng nông dân - quyết tâm kháng chiến đến thắng lợi hoàn toàn.
2- Bám đất bám dân để chỉ đạo kháng chiến, xây dựng cơ sở, phát triển lực lượng về mọi mặt.
3- Nắm thời cơ, chủ động sáng tạo, có phương thức, biện pháp đấu tranh phù hợp
4- Xây dựng, bảo vệ, bồi dưỡng lực lượng kháng chiến, củng cố chính quyền và các cơ quan, đoàn thể, chú trọng xây dựng lực lượng vũ trang, nòng cốt của chiến tranh nhân dân ở các địa phương.
5- Chăm lo xây dựng Đảng, không ngừng nâng cao phẩm chất, đạo đức và năng lực cán bộ đảng viên về mọi mặt, đặc biệt cho Đảng bộ đủ sức lãnh đạo phong trào kháng chiến ở địa phương.