Địch mở chiến dịch “Cá Măng” đánh vào toàn bộ vùng căn cứ du kích nam bắc sông Luộc, gồm nam Hưng Yên, nam Hải Dương và huyện Quỳnh Côi (Thái Bình). Thời gian cuộc càn từ ngày 25-9 đến ngày 10-10-1953, hình thành 3 đợt: đợt 1 đánh phá nam Hưng Yên và huyện Thanh Miện (Hải Dương)...
4. Trận Cá Măng (9-1953)
Bị thất bại nặng nề trên hai chiến trường Tây Bắc và Thượng Lào, kế hoạch “bình định” của tướng Đờlát Đờ Tátxinhi bị phá sản. Tướng Xalăng bị triệu hồi về nước, tướng Nava được bổ nhiệm làm Tổng Tư lệnh quân viễn chinh Pháp ở Đông. Ngay sau khi nhận chức, Nava đã chú ý và tập trung hoạt động vào đồng bằng Bắc Bộ, phải tiến hành “những chiến dịch chủ yếu nhằm tảo thanh Bùi Chu… giải tỏa Hải Phòng bằng cách tiêu diệt toàn bộ các căn cứ của địch ở những vùng lân cận nhất”, “để xóa bỏ những căn cứ đó phải tiến hành những chiến dịch đại quy mô, đặc biệt là chiến dịch “Cá Măng” (Brochet).
Ngày 22-9-1953, địch triển khai chiến dịch “Cá Măng”. Đây là một trong hai cuộc hành quân lớn quan trọng nhất mở đầu kế hoạch “thanh tảo vùng đồng bằng Bắc Bộ” của Nava. Địch tung vào chiến dịch 4 trong số 8 GM hiện có lúc đó (các GM 2, 3, 5, 7), nhiều tiểu đoàn cơ động độc lập và tiểu đoàn dù thuộc lực lượng tổng dự bị, tổng cộng tới 32 tiểu đoàn, 1.000 xe các loại, nhiều cụm pháo binh, do đích thân tướng Cô-nhi – Tư lệnh bắc phần chỉ huy.
Thủ đoạn của địch trong chiến dịch Cá Măng cũng cơ bản giống các chiến dịch càn quét trong “chiến tranh tổng lực” trước đó, nhưng sử dụng nhiều chiến xạ hơn và bất thình lình bay vây, sục sạo, tìm kiến đối phương; nêu phát hiện thấy bộ đội là lập tức bao vây, dùng sức mạnh phi – pháo đánh đòn tiêu diệt rồi mới xung phong vào trận địa ta.
Địch mở chiến dịch “Cá Măng” đánh vào toàn bộ vùng căn cứ du kích nam bắc sông Luộc, gồm nam Hưng Yên, nam Hải Dương và huyện Quỳnh Côi (Thái Bình). Thời gian cuộc càn từ ngày 25-9 đến ngày 10-10-1953, hình thành 3 đợt: đợt 1 đánh phá nam Hưng Yên và huyện Thanh Miện (Hải Dương); đợt 2 càn khu nam Hải Dương; đợt 3 tái càn Ân Thi, Phù Cừ, Tiên Lữ, đến ngày 4-10 chuyển sang càn nam sông Luộc.
Về phía ta, do sớm nắm được kế hoạch Nava, được Bộ và Khu chỉ đạo kịp thời, phán đoán được âm mưu của địch, quân dân ta đã chuẩn bị và chủ động chống càn đều khắp. Các hình thức đánh du kích được phát huy cao độ như phục kích, tập kích, đánh trong làng, ngoài làng, đánh chông mìn cạm bẫy, đạp lôi ở khắp mọi nơi đường làng, ngõ xóm, trong sân, trong vườn… làm cho địch bị thương, tử vong khi đi cướp phá.
Ngày 22-9-1953, khi địch vừa triển khai đội hình chiến dịch, ở hướng Ân Thi, Đại đội 176, bộ đội Ân Thi và du kích đã chống đánh quyết liệt tại An Bá, Đỗ Xuyên, diệt 22 tên, bắt 7 tên, thu 7 tiểu liên, 5 súng trường.
Đêm ngày 22-9-1953, tại hướng Phù Cừ - Tiên Lữ, tiểu đoàn 664 và trợ chiến trung đoàn đã tập kích hỏa lực vào 2 cụm quân địch ở La Tiến, Mai Xá, tạo điều kiện cho Tiểu đoàn 698 và Tiểu đoàn 652 vượt sông Luộc sang Thái Bình. Trận tập kích hỏa lực này đánh trúng sở chi huy binh đoàn cơ động số 2, diệt hơn 1 trung đội địch, trong đó có nhiều sĩ quan.
Đêm ngày 24-9-1953, các Tiểu đoàn 664, 652, đại đội pháo binh của Trung đoàn 42 đã tổ chức “săn” đánh canô địch trên sông Luộc, dùng trọng liên, Pi-át, pháo 57mm bắn chìm 2 canô địch ở Võng Phan và 2 chiếc khác ở đoạn Lệ Chi.
Đêm ngày 25-9-1953, Đại đội 27 phối hơp với bộ đội Kim động dùng súng cối tập kích hỏa lực sở chi huy của địch ở Đồng Lý (Kim Động). Đây là lần thứ hai trong chiến dịch này ta tập kích địch vào sở chỉ huy; là lần đầu tiên bộ đội ta chủ động tìm sở chỉ huy của địch để tập kích; diệt 1 quan tư, 2 quan hai, 15 sĩ quan và binh lính bị thương, phá hỏng 1 xe Jeep, 1 khẩu pháo.
Ngày 27-9-1953, Đại đội 176 và du kích Văn Nhuệ, Trắc Điền (Ân Thi) chống đánh cánh quân địch tiến sang điạ bàn Hải Dương (đợt 2 của chiến dịch), diệt 31 tên, thu 5 tiểu liên, 8 súng trường.
Cùng ngày 27-9-1953. Tiều đoàn 625 chiến đấu kiên cường tại Hoàng Các, Hoàng Xá (Phù Cừ) diệt hơn 150 tên địch; Tiểu đoàn 698 chặn đánh địch ở Cống Vũ, Đống Lương, Khê Than, Mụa, Mát, diệt gần 300 tên địch.
Khi địch quay lại đánh đợt 3, bộ đội huyện Tiên Lữ và du kích xã Phan Tây Hồ chặn đánh địch tại Canh Hoạch (3-10-1953) diệt 20 tên; ngày 4-10-1953 đánh tại Giai Lệ, diệt 17 tên. Cùng ngày 4-10-1953, Tiểu đoàn 664 và Đại đội 200 phục kích trên đường 39, phá 6 xe, diệt gọn 1 đại đội của tiểu đoàn khinh quân 707, bắt 40 tên, thu 1 đại liên, 2 trung liên, 10 tiểu liên, 30 súng trường. Ngày 5-10-1953, phát hiện trên đường rút quân, 1 tàu địch bị mắc cạn tại giang phận Bãi Sậy (Ân Thi), Đại đội 200 đã băng qua bãi lầy, dùng bộc phá phá tan chiếc tàu đó. Ngày 7-10-1953, bộ đội Khoái Châu phục kích tại Phương Trù, đánh tan một cánh quân đi tiếp tế cho nội tuyến, diệt và bắt 20 tên, thu 1 súng cối, 2 trung liên, 3 tiểu liên, 6 súng trường. Ngày 8-10-1953, Đại đội 27 đánh địch tại Cổ Lễ (Ân Thi), diệt gần 100 tên địch…
Trận càn “Cá Măng” kết thúc, địch không những không đạt được mục tiêu đề ra, mà còn bị thiệt hại nặng nề. Địch bị loại khỏi vòng chiến đấu 4.179 tên, 42 xe các loại bị phá. Số địch bị chết và bị thương trên địa bàn Hưng Yên là 1.565 tên. Tá phá và thu 8 khẩu pháo, 2 súng cối, 3 đại liên, 8 trung liên, 15 tiểu liên, 1 súng ngắn, 58 súng trường và nhiều đồ dùng quân sự. Kế hoạch Nava bước đầu bị thất bại.
Trong trận chống phá càn này, nổi bật lên cho ta thấy là lối đánh du kích phát triển sâu rộng, đặc biệt là cách sử dụng chông, mìn, cạm, bẫy… được diễn ra ở khắp các thôn, làng. Rất nhiều làng, xã đã trở thành những “rừng chông, núi mìn, biển máu”, đây là nỗi khiếp đảm của địch. Theo thống kế, vào thời điểm đó, tỉnh đã có 130 thôn đánh chông mìn, địch bị thụt 185 hố chông, vấp 124 ổ mìn và hàng chục đạp lôi. Các thôn, làng tiêu biểu cho lối đánh đó là Minh Hoàng, Quyết Tiến (Phù Cừ); Hải Yến, Canh Hoạch, Giai Lệ (Tiên Lữ); An Bá, Đỗ Xuyên, Trắc Điền, Cổ Lễ (Ân Thi), Đống Lương (Kim Động).
5. Trận càn Angiêri (1-1954)
Sau trận càn “Cá Măng” (tháng 9-1953) địch rút hết quân cơ động đi đối phó với chiến trường chính, chúng đẩy mạnh việc xây dựng Điện Biên Phủ trở thành một tập đoàn cứ điểm, tạo điều kiện thuận lợi để đánh sang Thượng Lào. Nhận thấy diễn biến tình hình, ngày 6-12-1953, Bộ Chính trị phê chuẩn Kế hoạch 2 của Tổng quân ủy và Bộ Tổng tư lệnh, quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ để giữ thế chủ động về chiến lược, phá vỡ kế hoạch tập trung quân cơ động của địch. Để đối phó với địch, bước đầu ta triển khai chiến cuộc Đông – Xuân 1953-1954.
Phối hợp với chiến trường chính, Hưng Yên được Khu ủy và Bộ Tư lệnh Khu chỉ đạo, liên tục bổ sung nhiệm vụ. Bộ và Khu chỉ thị rõ: “Đánh phá mạnh mẽ tuyến đường sắt, đường 5 của địch, làm cho chúng không thực hiện được tiếp tế chiến lược giữa quân cảng Hải Phòng đi Hà Nội để tiếp tế cho các chiến trường khác như Thượng Lào và Điện Biên Phủ”.
Đầu tháng 1-1954, Hưng Yên xây dựng xong tiểu đoàn bộ đội tỉnh thứ hai, gồm Đại đội 176 làm chủ công và 2 đại đội khác lấy phiên hiệu là các Đại đội 15,16,17 (còn gọi là các Đại đội 33, 34, 35), đặt phiên hiệu là Tiểu đoàn 54. Như vậy, đến đầu năm 1954, Hưng Yên có 2 tiểu đoàn (58 và 54), 1 đại đội độc lập (Đại đội 10) và 9 đại đội bộ đội huyện.
Nhận thấy sự lớn mạnh của bội đội chủ lực Hưng Yên, cộng thêm những thất bại liên tiếp ở Hải Dương, Mỹ Hào, Văn Lâm, hàng loạt các vị trí chủ chốt bị quân ta bao vây, thực dân Pháp buộc phải tổ chức hai cuộc hành quân nhằm giải tỏa ở hai đầu tỉnh. Trong đó, chúng tiến hành cuộc hành quân Angiêri tiến đánh, càn các huyện Tiên Lữ, Phù Cừ, Thanh Miện, Ninh Giang nhằm giải tỏa cho thị xã Hưng Yên, Ninh Giang và tuyến vận tải đường thủy trên sông Luộc kéo dài từ ngày 7-1-1954 đến 12-1-1954.
Trong chiến dịch này địch sử dụng GM3, GM8 và 3 tiểu đoàn bổ trợ (BMS). Đây là chiến dịch mà địch hoàn toàn bị động đối phó và cùng là chiến dịch cuối cùng của địch tại địa bàn Bắc sông Luộc. Trước khi càn, ngày 6-1-1954, tướng Cônhi và Nguyễn Hữu Trí (Thủ hiến Bắc Việt) về thị xã Hưng Yên gặp bọn chỉ huy Secteur Hưng Yên bàn kế hoạch chuẩn bị cho cuộc càn. Chúng còn dùng máy bay thám thính thả truyền đơn phình phờ đe dọa, kêu gọi nhân dân chạy vào thị xã.
Bộ đội các huyện và du kích trong khu vực địch hành quân đã chủ động đánh càn, làm thất bại chiến dịch Angiêri của địch. Ngay khi địch còn đang chuyển quân, bộ đội Tiên Lữ và du kích Thủ Sỹ đã diệt 4 xe trên đê sông Luộc. Địch càn quét vào 35 thôn thì có 28 thôn nổ súng chống càn, còn các thôn khác chúng đều bị thụt vào hố chông, nổ mìn. Du kích các xã Thủ Sỹ, Nghĩa Dũng, Phan Tây Hồ (Tiên Lữ), Quyết Tiến (Phù Cừ) đã đánh càn trong 6 ngày liền tiếp. Chỉ tính riêng hoạt động của quân du kích đã diệt 178 tên, phá hủy 20 xe các loại buộc chúng phải rút cả về thị xã vào ngày 18-1-1954.
Ngày 19-1-1954, địch rút toàn bộ quân đi chiến trường chính. Nhưng do sức ép ở chiến trường miền Bắc khá nặng chúng buộc phải điều động thêm quân về hỗ trợ. Ngày 21-1-1954, địch phải huy động 4 tiểu đoàn ứng chiến địa phương phối hợp với lực lượng chiếm đóng GM3 càn vào nam Văn Giang, bắc Khoái Châu, tây nam Yên Mỹ. Khi địch vừa triển khai càn, bộ đội Yên Mỹ, Văn Lâm, Mỹ Hào, Văn Giang và du kích các làng đã đánh địch liên tiếp trên các tuyến đường giao thông. Trên tuyến đường 206 bộ đội và du kích Yên Mỹ đã đánh mìn, phá 1 xe tăng, 2 xe vận tải quân sự trở đầy lính và tiến hành chống càn ở Đồng Than. Cùng ngày 21-1-1954, bộ đội Văn Giang tập kích địch tại Đa Ngưu, phá 4 xe, diệt 12 tên, thu 1 trung liên, 4 tiểu liên. Ngày 25-1-1954, Đại đội 25 và 27 (tiểu đoàn 58) chống càn, đánh địch ở Đức Nhuận Thượng (Khoái Châu), diệt hơn 200 tên, buộc địch phải kết thúc trận càn này.
Hai cuộc càn của địch đều thất bại trong tháng 1-1954 ở hai đầu của tỉnh chứng tỏ địch đã mất hẳn quyền chủ động trên chiến trường, không cải thiện được tình thế trên địa bàn Hưng Yên. Hàng loạt các vị trí chủ chốt của địch tại các huyện và thị xã đều bị ta uy hiếp nặng nề.
Như vậy, từ tháng 12-1949 đến tháng 1-1954, thực dân Pháp đã triển khai 5 trận càn lớn trên địa bàn Hưng Yên và Hải Dương. Sự thất bại của chúng qua từng trận chứng tỏ sự lớn mạnh của bộ đội và du kích Hưng Yên qua từng giai đoạn, lật ngược tình thế trên chiến trường từ bị động (trong trận càn Điabôlô) chuyển sang chủ động chống càn (trận càn Trái Chanh, Lạc Đà, Cá Măng và Angiêri). Chiến thắng này thể hiện sự lãnh đạo tài tình của Trung ương, sự tiếp thu, vận dụng sáng tạo của Tỉnh ủy, chính quyền, đoàn thể và nhân dân trong toàn tỉnh đoàn kết đánh thắng giặc Pháp xâm lược, thể hiện truyền thống yêu nước từ ngàn xưa của nhân dân Hưng Yên. Chiến thắng chống càn của quân và dân Hưng Yên đã góp một phần lớn vào chiến thắng chung của cả nước, đánh thắng giặc Pháp, giành lại độc lập dân tộc và tiến lên chủ nghĩa xã hội.
Hoàng Thị Thanh Thúy – P.Lịch sử Đảng – BTGTU Hưng Yên
* Bài viết có sử dụng tư liệu trong cuốn “Lịch sử Đảng bộ tỉnh Hưng Yên tập 1 (1929-1954)” và cuốn “Hưng Yên lịch sử kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược (1945-1975)”