Trần Thị Thanh Thủy
Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy,
Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy
Thắng lợi của nhân dân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước là thành quả vĩ đại nhất của sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội do Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo, là trang sử hào hùng và chói lọi trên con đường dựng nước và giữ nước. Trong chiến thắng đó, cùng với cả nước và sự giúp đỡ của bạn bè quốc tế, có những đóng góp quan trọng của Đảng bộ và nhân dân Hưng Yên trong suốt chặng đường 21 năm từ 1954 đến 1975.
Sau kháng chiến chống Pháp thắng lợi, Đảng bộ Hưng Yên đã lãnh đạo nhân dân khắc phục hậu quả chiến tranh, khôi phục phát triển sản xuất, củng cố hậu phương, từng bước phát triển kinh tế xã hội, đẩy lùi nạn đói, nạn rét, ổn định đời sống cho nhân dân.
Với những thành tựu bước đầu sau gần 1 năm, ngày 23-6-1955, trên báo Nhân Dân số 447, Hưng Yên được Chủ tịch Hồ Chí Minh khen ngợi. Tháng 02-1956, Hưng Yên thực hiện giảm tô, cải cách ruộng đất, phát triển sản xuất. Tháng 7-1956, Hưng Yên được thưởng Cờ tỉnh chống hạn khá nhất miền Bắc của Hội đồng Chính phủ, Ủy ban hành chính Tả ngạn tặng Cờ luân lưu thi đua sản xuất. Sau ba năm khôi phục và phát triển kinh tế văn hóa, ổn định chính trị xã hội (1954 - 1957), Hưng Yên đã thực hiện tốt nghĩa vụ nộp thuế với Nhà nước…
Mười năm sau ngày giải phóng (1954 - 1964), bắt tay vào nhiệm vụ khắc phục hậu quả chiến tranh, Đảng bộ và nhân dân Hưng Yên không ngừng phấn đấu vượt mọi thử thách và khó khăn gian khổ giành thắng lợi quan trọng trong phát triển kinh tế, văn hóa xã hội, ra sức thực hiện, hoàn thành kế hoạch 5 năm lần I (1961-1965) căn bản hoàn thành cải tạo, xây dựng và bảo vệ miền Bắc, củng cố hậu phương, góp phần phát triển kinh tế xã hội miền Bắc, đánh bại âm mưu chống phá của kẻ thù, sẵn sàng chiến đấu và chi viện cho cách mạng miền Nam với tinh thần Tất cả vì miền Nam ruột thịt, những thành quả ấy là tiền đề để Hưng Yên thực sự vững bước tiến sang giai đoạn cách mạng mới. Ngày 27-4-1964, Chủ tịch Hồ Chí Minh triệu tập Hội nghị chính trị đặc biệt kêu gọi toàn dân mỗi người làm việc bằng hai, sẵn sàng chi viện cho cách mạng miền Nam.
Ngày 17-7-1966, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi toàn dân đoàn kết một lòng, quyết tâm chống Mỹ, cứu nước, đánh bại chiến lược Chiến tranh cục bộ của đế quốc Mỹ ở miền Nam, đánh thắng cuộc phá hoại bằng không quân, hải quân lần thứ nhất ở miền Bắc.
Hưởng ứng Lời kêu gọi của Bác, Đảng bộ và nhân dân Hưng Yên xác định nhiệm vụ sản xuất đi đôi với chiến đấu và sẵn sàng chiến đấu, củng cố hậu phương vững mạnh để tăng cường sức mạnh về kinh tế, quốc phòng, đáp ứng nhiệm vụ ngày càng lớn của cách mạng, tích cực chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, xây dựng làng chiến đấu. Toàn tỉnh đẩy mạnh các phong trào thanh niên ba sẵn sàng, phụ nữ ba đảm đang, quyết tâm vừa chiến đấu chống chiến tranh phá hoại vừa hăng say sản xuất xây dựng cơ sở vật chất, vừa làm tốt nhiệm vụ đóng góp sức người sức của cho tiền tuyến lớn miền Nam: Sản lượng nông nghiệp vượt xa chỉ tiêu kế hoạch và năng suất các năm trước, công nghiệp và thủ công nghiêp năm 1966 tăng gấp hơn 2 lần năm 1961, bắn rơi 5 máy bay Mỹ, phong trào xây dựng lực lượng hậu bị, làm công tác phòng không nhân dân và đưa người đi chiến đấu có thành tích lớn. Riêng năm 1966 có 66 đơn vị được chính phủ công nhận là đơn vị Quyết thắng, 8 đơn vị được thưởng Huân chương chiến công. Với những đóng góp trên, năm 1966, Đảng bộ và nhân dân Hưng Yên vinh dự tổ chức đón nhận Cờ thưởng luân lưu Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược của Hồ Chủ tịch tặng.
Ngày 26-01-1968, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra Nghị quyết số 504- NQ/TVQH hợp nhất Hưng Yên và Hải Dương thành tỉnh Hải Hưng. Ngay sau khi hợp nhất, Đảng bộ Hải Hưng tiếp tục lãnh đạo quân dân vừa sản xuất, vừa chiến đấu góp phần đánh thắng chiến tranh phá hoại lần hai và chi viện cho cách mạng miền Nam. Ngày 01-4-1968, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ra Nghị quyết động viên chính trị toàn dân để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ: Tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược. Ngày 21-3-1971, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ra Chỉ thị số 78 - CT/TU về việc tăng cường lãnh đạo củng cố các hợp tác xã yếu kém, đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, phát triển toàn diện, mạnh mẽ, vững chắc, vừa sản xuất củng cố hậu phương ủng hộ tiền tuyến miền Nam vừa chiến đấu: Tay cày, tay súng và tay búa tay súng.
Ngày 06-4-1972, Mỹ huy động không quân và hải quân ồ ạt đánh phá miền Bắc lần thứ hai. Từ ngày 18 đến ngày 29-12-1972, địch liều lĩnh tiến hành một nấc thang chiến tranh mới cực kỳ tàn bạo, tráo trở. Một lần nữa, quân và dân miền Bắc đã anh dũng, mưu trí, chiến đấu kiên cường, trừng trị thích đáng không quân Mỹ.
Từ ngày 10-5 đến ngày 30-12-1972, máy bay Mỹ bắn phá ngày đêm mang tính hủy diệt trên địa bàn tỉnh như lần đánh phá thị xã Hưng Yên (07-7-1972), chúng rải thảm bom bằng máy bay B52 xuống hai xã Liên Nghĩa và Thắng Lợi (Văn Giang)..., quân và dân Hưng Yên vẫn kiên cường chiến đấu, chủ động phòng tránh, bảo vệ lực lượng, vừa chiến đấu vừa phục vụ chiến đấu, lao động sản xuất cùng nhân dân miền Bắc làm nên trận Điện Biên Phủ trên không buộc địch phải chấm dứt chiến tranh lập lại hòa bình ở Việt Nam.
Trong năm 1972, mặc dù phải tiến hành chống chiến tranh phá hoại, Hải Hưng vẫn nỗ lực thực hiện bằng được nhiệm vụ chi viện sức người sức của cho tiền tuyến. Mặc dù đây là năm chỉ tiêu yêu cầu lớn nhất từ trước, song Hải Hưng đã hoàn thành vượt chỉ tiêu Nhà nước giao. Ba đợt tuyển quân lớn trong năm đều đảm bảo số lượng, chất lượng thời gian giao quân. Việc tuyển chọn dân quân hỏa tuyến và thanh niên xung phong cho yêu cầu quốc phòng cũng đều đảm bảo kế hoạch.
Năm 1973, tỉnh tiến hành nhanh gọn hai đợt tuyển quân chi viện cho chiến trường 12.268 người (chỉ tiêu 11.400 người). Ngoài ra, tỉnh còn tuyển nhiều công nhân lành nghề các ngành và dân công hỏa tuyến phục vụ tại Quân khu IV. Bên cạnh đó, công tác huấn luyện được sáng tạo gắn với tập trung lực lượng để lao động sản xuất. Năm 1973, Hải Hưng có quang cảnh cả tỉnh là một công trường lao động và những thao trường quân sự bởi vậy sản xuất cũng đạt tiến độ và huấn luyện cũng đạt kết quả cao.
Năm 1974, nhiệm vụ tuyển quân được thúc đẩy, các phong trào Toàn dân bàn việc nước, Toàn dân chi viện cho chiến trường, toàn dân nuôi quân... sôi nổi khắp các địa phương, quân dự bị được chuẩn bị tốt và tự bồi dưỡng sức khỏe tại gia đình sẵn sàng lên đường nhập ngũ. Năm 1974 tỉnh giao ba đợt quân vượt chỉ tiêu 147 người (chỉ tiêu giao của tỉnh là 11.638 người). Công tác quân sự địa phương có bước phát triển tiến bộ đồng đều, 148 xã của tỉnh đạt Quyết thắng, tỉnh Hải Hưng dẫn đầu quân khu, được nhận Cờ thưởng thi đua luân lưu của Chủ tịch nước.
Cuối năm 1974, đầu năm 1975, Bộ Chính trị họp bàn kế hoạch và quyết định: Chúng ta phải cố gắng cao nhất để thắng gọn trong năm 1975 và xác định: Cần tăng cường lực lượng, đảm bảo vật chất, kĩ thuật và tinh thần cho chiến trường, chuyển 30 vạn tân binh, động viên toàn quân, toàn dân nêu cao ý chí Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để đánh thắng, đó thực sự là ngọn đuốc soi đường dẫn đến đại thắng cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975.
Trước tình hình mới, đầu năm 1975, Hải Hưng được Nhà nước giao chỉ tiêu tuyển quân nhiều gấp hai, ba lần năm 1974, được chia làm ba đợt gồm khoảng 16.000 tân binh vào Nam chiến đấu, hơn 7000 quân xây dựng kinh tế và một lực lượng lớn công an vũ trang bảo vệ miền Bắc. Đảng bộ Hải Hưng tiếp tục phát huy tinh thần vượt khó tiến công, đón bắt thời cơ hạ quyết tâm giao vượt quân số cả năm 1975.
Ngày 15-3-1975, toàn tỉnh đồng loạt giao quân vượt chỉ tiêu cả năm với khí thế, chất lượng cao chưa từng có. Toàn tỉnh đã giao 23.797 người (chỉ tiêu 23.560 người). Tất cả các huyện, thị xã đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Tiếp đó, Hải Hưng xây dựng các tiểu đoàn Bãi Sậy 1, Bãi Sậy 2, Đoàn 7, Đoàn 8 gồm tổng số 4.647 đồng chí bao gồm lực lượng Dân - Chính - Đảng và lao động các ngành nghề để xây dựng, tiếp quản vùng giải phóng và bổ sung gấp vào Nam cho Bộ Tư lệnh 773 trước Chiến dịch Hồ Chí Minh.
Thực hiện tư tưởng chỉ đạo của Bộ Chính trị: Thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng, các đơn vị chủ lực của quân đội ta đã thực hiện cuộc hành quân thần tốc, tiến về giải phóng Sài Gòn. Trong cuộc tiến công ấy, Hải Hưng tự hào hoàn thành nhiệm vụ thiêng liêng nhất là dồn sức cùng cách mạng cả nước giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Theo sát những ngày tiến hành Tổng tiến công và nổi dậy, ở Hải Hưng luôn tưng bừng như những ngày hội lớn, hòa trong niềm tự hào, niềm tin và tin thắng trận dồn dập mỗi ngày.
11 giờ 30 phút, ngày 30-4-1975, cờ giải phóng đã tung bay trước tòa nhà chính "Dinh Độc Lập", Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử toàn thắng. Trong thắng lợi vẻ vang ấy, có những nỗ lực không ngừng, có sự đóng góp mồ hôi, nước mắt và cả máu xương của người dân Hải Hưng nói chung và Hưng Yên nói riêng.
Trong công cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, tuy Hưng Yên không phải là địa bàn trọng điểm đánh phá của không quân Mỹ, song được sự chỉ đạo của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương, Hưng Yên đã thành lập các trận địa phòng không ở Tiên Lữ, Mỹ Hào, Văn Giang… và các trận địa phòng không này luôn là nỗi khiếp sợ của kẻ thù. Theo sách Lịch sử Đảng bộ quân sự tỉnh, lực lượng vũ trang Hải Hưng đã bắn rơi 85 máy bay Mỹ, bắt sống nhiều giặc lái, thường xuyên đảm bảo giao thông vận tải thông suốt.
Ghi nhận những đóng góp của quân dân Hưng Yên trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, Đảng và Nhà nước đã phong tặng nhiều danh hiệu cao quý cho các tập thể và cá nhân. Trong đó, tỉnh Hưng Yên cùng với 10 huyện, thành phố đều được Chủ tịch Nước tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân. Hàng nghìn bà mẹ được phong tặng, truy tặng danh hiệu Bà Mẹ Việt Nam anh hùng. Toàn tỉnh có 7.430 gia đình có 3 con nhập ngũ; 26 gia đình có 6 người và 7 gia đình có 7 người nhập ngũ tham gia kháng chiến chống Mỹ; hàng nghìn thương binh, bệnh binh, liệt sỹ, những người đã hy sinh tuổi thanh xuân lên đường chiến đấu với một trong những kẻ thù có sức mạnh vật chất và quân sự lớn nhất trong thế kỷ XX. Họ đã tạc vào lịch sử dân tộc, viết tiếp truyền thống anh hùng - văn hiến, khắc vào niềm tin, lòng tự hào về vùng đất - con người Hưng Yên hôm qua, hôm nay và mãi mãi!.